Dạy Bé Tập Nói Sớm Để Con Thông Minh Và Nhanh Nhạy Hơn
Nói chuyện, hiểu người khác nói và biết phải nói gì là những kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống. Khả năng giao tiếp giúp trẻ kết bạn, học hỏi và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Ba mẹ sẽ là giáo viên đầu tiên và quan trọng nhất của con ở kỹ năng này. Vậy, làm thế nào để dạy bé tập nói cho hiệu quả?
Mỗi bé có một tốc độ phát triển khác nhau, có bé nói chậm có bé nói nhanh, cũng có bé nói nhiều có bé nói ít. Khả năng nói của con phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và phương pháp của ba mẹ. Vì vậy, nội dung bài viết tập trung vào tầm quan trọng của việc dạy bé tập nói, chia sẻ các tuyệt chiêu tập nói cho con hiệu quả và nhấn mạnh những lưu ý cho các bậc phụ huynh trong quá trình dạy con thông minh và nhanh nhạy hơn.
Xem nhanh
Lợi ích không tưởng từ việc dạy bé tập nói
Phát triển ngôn ngữ và khả năng diễn đạt cho trẻ: thông qua hình ảnh, màu sắc, đồ vật,…xuất hiện trong các chủ đề tập nói, con sẽ xây dựng được vốn từ vựng đa dạng làm nền tảng vững chắc cho giai đoạn tập nói sau này. Ngoài ra, chính kho từ vựng khổng lồ sẽ là trợ thủ đắc lực cho khả năng diễn đạt của bé.
Tăng khả năng ghi nhớ: trong quá trình chơi đùa cùng ba mẹ, việc dạy bé các con vật, đồ vật trong nhà giúp bé thích thú hơn từ đó não bộ phát triển và dễ ghi nhớ mọi thứ hơn.
Tăng khả năng quan sát: dạy con tập nói những mẫu câu đơn giản, gắn liền với sinh hoạt hằng ngày giúp con quan sát tốt hơn những hoạt động diễn ra trong gia đình, hỗ trợ khả năng tiếp thu và tương tác với ba mẹ sau này.
Em bé tập nói từ khi nào?
Học nói là một quá trình bắt đầu từ khi mới sinh, khi con bạn trải nghiệm cách thức mà các giọng nói phát ra. Trước 1 tuổi, các bé học thông qua những cuộc hội thoại hàng ngày và các bé dùng âm thanh, cử chỉ và cả cơ thể để giao tiếp với mọi người, ví dụ như bé giơ hai cánh tay lên vì muốn bạn bế lên, bé đưa cho bạn một món đồ chơi để bạn biết là bé muốn chơi đồ chơi.
Trong khoảng 12 – 18 tháng tuổi, bé bắt đầu nói được từ đầu tiên. Trẻ tiếp tục học hỏi và tiến bộ nhanh chóng, khi bé 2 tuổi, bé có thể đạt được những cột mốc sau:
- Hiểu 200 – 500 từ
- Làm theo những hướng dẫn đơn giản, như “chỉ cho ba/ mẹ xem tai của con ở đâu nè”
- Bắt đầu ghép những câu ngắn lại với nhau – chưa có cuộc trò chuyện dài nào, chỉ hai hoặc ba từ, như “ăn nữa”
- Dùng ít nhất 50 từ
- Ngồi nghe những câu chuyện đơn giản có hình ảnh
- Em bé tập nói, bắt chước được nhiều âm thanh và từ ngữ
- Thích trò chuyện theo cách của bé thông qua những trò chơi liên quan đến búp bê, gấu bông
- Sử dụng một vài âm trong các từ của bé – thường là p, b, t, d, m
Khi hiểu được sự phát triển của bé, ba mẹ sẽ chọn được những bài tập phù hợp để dạy em bé tập nói tốt hơn.
Tuyệt chiêu dạy bé tập nói hiệu quả
Thông qua trò chơi
Ba mẹ có thể thử trò chơi “Đây là cái gì” phù hợp cho những nhóc nhỏ đang trong quá trình nhận biết và gọi tên đồ vật. Mẹ có thể hỏi bé về màu sắc hoặc hình dáng của món đồ chơi. Đối với những trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể tăng mức độ phức tạp của trò chơi trở thành “Những gì xảy ra tiếp theo?”. Sau khi kể cho bé nghe một câu chuyện hay một tình huống, hãy thử hỏi bé xem chuyện gì có thể xảy ra sau đó. Cách này còn giúp bé tăng khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú.
Thông qua bài hát
Bài hát là một khuôn mẫu lý tưởng để dạy bé tập nói. Đó cũng là lý do tại sao mỗi nền văn hóa lại có những bài hát riêng dành cho trẻ nhỏ. Chính việc lặp đi lặp lại các từ trong bài hát giúp bé ghi nhớ từ tốt hơn. Ngoài ra khi mẹ dạy bé học hát hay hát cho con nghe, mẹ nên kết hợp những động tác dễ thương, ngộ nghĩnh để làm bé thích thú hơn.
Thông qua câu chuyện
Ngay từ khi bé mới chào đời, ba mẹ hãy nói chuyện thường xuyên với bé. Bé cần phải hiểu các từ trước khi có thể tập nói vì vậy việc nói chuyện sẽ giúp xây dựng các mối liên kết trong não của con. Ngoài ra, mỗi đêm trước khi đi ngủ, ba mẹ nên dành thời gian hỏi chuyện về những việc xảy ra trong ngày. Nếu bé chỉ mới nói được từ đơn hoặc từ đôi, ba mẹ có thể hỏi bé những câu hỏi cụ thể. Chẳng hạn bé nói rằng bé đã đến khu trò chơi ở công viên, hãy hỏi thêm chi tiết bằng những câu như: “Ai đưa con ra đó? Con chơi với ai? Con thích nhất trò chơi nào?”. Chú ý chọn các câu hỏi để bé trả lời càng nhiều từ càng tốt.
Cách này đặc biệt có ích với các bậc phụ huynh gửi con ở nhà trẻ vì không chỉ dạy bé tập nói mà ba mẹ còn có thể biết được các hoạt động ở lớp của con. Khi ba mẹ đọc truyện cổ tích hoặc đọc sách cho con, hãy thỉnh thoảng tạm ngưng đọc để bé có thể “điền vào chỗ trống”, yêu cầu bé lặp lại hoặc ngừng ở những chỗ khác nhau để bé có thể luyện phát âm từ mới.
Dạy trẻ tập nói theo từng giai đoạn
Những hoạt động sau sẽ giúp ba mẹ có thêm ý tưởng để dạy em bé tập nói và giúp con đạt được những mốc quan trọng ở độ tuổi lên 2 như đã đề cập ở trên. Những hoạt động tập nói này thường bắt đầu khi bé nói được từ đầu tiên (thường là 12 tháng tuổi):
Từ 12 – 15 tháng tuổi
Các em bé bắt đầu sử dụng từ ngữ ở giai đoạn này. Điều này bao gồm việc dùng những âm thanh giống nhau một cách nhất quán để xác định một đối tượng, như là “baba” cho “cái bình”, hay “ca ca” cho “con cá”. Nhiều bé dùng một hoặc hai từ và hiểu khoảng 25 từ hoặc hơn. Các bé có thể yêu cầu bạn làm một việc gì đó bằng cách chỉ tay, với lấy đồ vật, hoặc nhìn đồ vật và nói lảm nhảm. Bạn có thể giúp em bé tập nói bằng cách:
- Nói tên những đồ vật mà bạn sử dụng, như “cốc”, “búp bê”. Cho bé thời gian để con gọi tên chúng.
- Đặt câu hỏi cho bé về những bức tranh trong sách. Cho bé thời gian để gọi tên những thứ trong tranh.
- Cho bé tập nói ông bà, ba mẹ và các thành viên trong gia đình.
- Hãy mỉm cười hoặc vỗ tay khi bé gọi tên những điều mà bé nhìn thấy. Nói về những điều đó, như khi bé tập nói qua các con vật, ba mẹ có thể nói thêm “Con thấy con chó hả con. Con chó này lớn quá. Con nhìn nó vẫy đuôi kìa.”
- Nói về những gì mà bé muốn nói nhất. Cho con thời gian để con kể cho bạn nghe tất cả về điều đó.
- Hỏi về những việc bạn làm mỗi ngày – “Hôm nay con sẽ mặc cái áo nào?”, “Con muốn uống sữa hay nước ép?”
- Mở rộng câu nói dựa trên những gì bé nói. Nếu bé nói “quả bóng”, bạn có thể nói “Quả bóng màu đỏ của con đó.”
- Giới thiệu trò chơi giả vờ với búp bê, đồ chơi con vật hoặc gấu bông yêu thích của bé. Thêm chúng vào những cuộc nói chuyện và trò chơi của bạn – “Em Mon cũng muốn chơi nè. Con cho em đá bóng cùng nha.”
Từ 15 – 18 tháng tuổi
Con bạn sẽ dùng những cử chỉ phức tạp hơn để giao tiếp với bạn và sẽ tiếp tục xây dựng vốn từ vựng của mình. Bé có thể nắm tay bạn, dẫn bạn đến giá sách, chỉ vào một quyển sách và nói “chách” để nói “Con muốn đọc sách với ba/ mẹ”. Bạn có thể tập bé nói chuyện bằng những hoạt động sau:
- Nói với bé “Mũi của con ở đâu?”. Sau đó, chỉ vào mũi của bạn. Bé sẽ sớm chỉ vào mũi của bé. Thực hiện điều này với ngón chân, ngón tay, tai, mắt, đầu gối…
- Giấu một món đồ chơi trong khi bé đang theo dõi. Giúp bé tìm món đồ chơi đó và cùng cười đùa với bé.
- Khi bé chỉ vào hoặc đưa cho bạn món đồ gì đó, hãy nói về đối tượng đó với bé – “Con đưa sách cho ba/ mẹ à. Cảm ơn con nha. Con nhìn hình em bé đá bóng nè.”
Từ 18 tháng – 2 tuổi
Con bạn sẽ có thể làm theo những chỉ dẫn và bắt đầu ghép các từ lại với nhau, như “xe chạy” hoặc “uống nước”. Bé cũng sẽ bắt đầu chơi trò chơi giả vờ để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ. Bạn có thể dạy bé yêu tập nói qua những hoạt động như:
- Nhờ con giúp bạn. Ví dụ, nhờ con đặt cốc của con lên bàn hoặc mang giày của con đến cho bạn.
- Dạy con những bài hát đơn giản và những bài đồng dao. Đọc cho con nghe. Bảo con chỉ và nói cho bạn những gì con nhìn thấy.
- Khuyến khích con nói chuyện với bạn bè và gia đình. Bé có thể nói về một món đồ chơi mới, hoặc bé kể chuyện và bé tập nói qua con vật.
- Cho con chơi nhiều trò chơi giả vờ. Bạn có thể chơi trò nói chuyện qua điện thoại, đút cho búp bê ăn, hoặc là mở một buổi tiệc với các con vật đồ chơi.
Trẻ em phát triển theo từng giai đoạn khác nhau và mỗi bé lại phát triển theo một tốc độ không giống nhau. Vì thế, ba mẹ hãy theo dõi sự phát triển của con và lựa chọn những hoạt động phù hợp với con nhé!
Những điều cần tránh khi dạy bé học nói
“Nhái” lại phát âm sai của con
Bé còn nhỏ nên khả năng phát âm còn hạn chế. Nhiều khi bé sẽ nói ngọng một vài từ, ví dụ “đi chè (tè)”, “ăn ơm (cơm)”, ô cô (ô tô)…Trong những lúc đó, mẹ không cần phải chỉnh bé, nhưng cũng đừng phát âm theo bé. Nhiều ba mẹ thấy bé nói như vậy rất dễ thương, nên thường nói nhại theo con để gần gũi với trẻ. Tuy nhiên, điều này có thể khiến bé tiếp tục nói sai và có thể khó sửa hơn sau này trong quá trình dạy bé tập nói.
Trợ giúp bé quá nhanh
Chỉ cần thấy bé lấy tay chỉ bình nước là ngay lập tức ba mẹ lấy nước cho bé uống. Việc đoán biết đúng ý muốn của con khiến các bà mẹ cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, việc này đã tước mất cơ hội tập nói của bé, dễ khiến bé lười suy nghĩ và không chịu tìm cách biểu đạt mong muốn của mình bằng lời nói. Đây là những lỗi phổ biến của nhiều bậc cha mẹ trong lúc dạy bé học nói.
Dạy từ ngữ không chọn lọc
Nhiều gia đình, cả ba mẹ và ông bà đều không ý thức được việc nên chọn lựa từ ngữ mà cứ vô tư dạy bé nói những từ không hay, vì cho rằng về sau có thể uốn nắn lại. Thực chất những tiếng nói đầu đời rất ý nghĩa với con trẻ, là cột mốc đầu tiên cho những câu nói khác để mở rộng kỹ năng giao tiếp xã hội, mọi từ ngữ bé học được đều được vận dụng và khó sửa đổi về sau. Vì vậy, mọi thành viên trong gia đình không nên vì quá hào hứng mà dạy bé nói một cách vô tội vạ mà cần có sự chọn lọc từ ngữ để dạy khi bé mới tập nói.
Dạy bé tập nói là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc từ ba mẹ nếu muốn con thông minh và phát triển tư duy ngôn ngữ tốt hơn. Nắm vững các kiến thức cơ bản trên sẽ giúp ba mẹ phần nào trong việc phát huy khả năng ngôn ngữ của con trong tương lai.
POPS Kids Learn – nền tảng học trực tuyến tương tác hiện đại dành cho trẻ từ 2-15 tuổi.
Với giảng viên và giáo trình đến từ các trung tâm giáo dục uy tín hàng đầu Everest Education, Học viện sáng tạo công nghệ Teky,… các khóa học online tương tác của POPS Kids Learn đã chứng minh được chất lượng và mang lại hiệu quả học tập hơn nhiều so với các phương pháp học online truyền thống.
Ba mẹ có thể tìm hiểu thêm thông tin về POPS Kids Learn và các khóa học đang mở lớp tại website POPS Kids Learn.