Phương Pháp Dạy Con Tự Lập Hiệu Quả Giai Đoạn 0-3 Tuổi
Ngoài việc bảo bọc, nâng niu thì dạy con tự lập cũng là một cách để ba mẹ thể hiện tình yêu thương đối với con trẻ. Dạy con tự lập từ nhỏ giúp trẻ trở nên chín chắn, trưởng thành, làm việc cẩn thận hơn mà không cần đến sự giúp đỡ của người lớn. Hơn thế nữa, khi xa khỏi vòng tay của ba mẹ, bé có thể tự chăm sóc cho bản thân một cách tốt nhất. Bài viết dưới đây, POPS Kids Learn sẽ giới thiệu một số phương pháp dạy con cách tự lập, mời ba mẹ tham khảo!
Xem nhanh
Tự lập là gì?
Tự lập được hiểu đơn giản là khả năng bản thân tự thực hiện các công việc chăm sóc, giải quyết các vấn đề của bản thân một cách độc lập, không ỷ lại hoặc bị phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Dạy trẻ kỹ năng sống tự lập là phụ huynh hướng dẫn bé cách thực hiện các công việc cá nhân hàng ngày, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc của con vào ba mẹ. Kèm theo đó là sự động viên, khuyến khích tinh thần chủ động, tự giác của bé khi làm những công việc đó.
>>> Việc trang bị các kỹ năng sống cho bé từ nhỏ là điều vô cùng cần thiết và giúp con thêm tự tin khi rời xa vòng tay ba mẹ. Cùng tham khảo những kỹ năng sống quan trọng mà bất kỳ ba mẹ nào cũng nên chuẩn bị cho con trong những năm tháng đầu đời.
Phương pháp dạy con tự lập theo các giai đoạn
Có rất nhiều ba mẹ hiểu rõ rằng rèn tính tự lập cho con, dạy con các kỹ năng tự chăm sóc bản thân là điều cực kỳ cần thiết. Song không phải ba mẹ nào cũng biết cách dạy con tự lập khoa học và hiệu quả. Theo các chuyên gia, tùy vào từng giai đoạn phát triển của trẻ mà phụ huynh sẽ cho con tự lập theo những cách khác nhau. Dưới đây là các cột mốc chính mà ba mẹ không nên bỏ qua:
Cách dạy con tự lập cho trẻ sơ sinh
Quy tắc 1: Để con tự làm mọi việc từ sớm
Trẻ sơ sinh có thể tự chơi một mình và tốt nhất mẹ không nên làm gián đoạn. Sau khi thức giấc, đa số các bé sơ sinh đều thích tự ngọ nguậy ở giường, tự chơi với các bàn tay hoặc ọ ẹ một mình. Đấy chính là những khoảnh khắc bé con bắt đầu tự lập.
Ở giai đoạn này, ba mẹ hãy dạy con tự lập tốt hơn bằng cách để trên giường hoặc treo trên đỉnh màn những con vật, đồ chơi nhiều màu sắc và có thể phát ra nhiều loại âm thanh vui tai thì càng tốt.
Quy tắc 2: Tạo ra môi trường thú vị
Ngoài việc cho bé tự chơi một mình, ba mẹ chú ý nâng cao dần sự hấp dẫn bằng việc thay đổi đồ chơi, mở thêm nhạc piano cho bé nghe,…
Quy tắc 3: Tập cho bé quen môi trường đơn độc
Em bé của bạn có khả năng tự khám phá, phản ứng và tự chơi tốt nhất khi được ở một mình. Lúc đầu bé chưa quen thì mẹ hãy ở bên cạnh (nhớ là không chơi cùng trẻ). Sau khi thấy bé có thể bỏ qua sự có mặt của mẹ để tập trung vào đồ chơi thì mẹ có thể nhẹ nhàng rời đi chỗ khác.
Quy tắc 4: Mẹ rời khỏi phòng
Khi đảm bảo rằng không gian xung quanh phòng tuyệt đối an toàn với bé thì mẹ có thể rời khỏi phòng trong vài phút. Với quy tắc như ở trên, mẹ có thể thực hành với bé từ 0 – 4 tháng vì lúc này bé chưa lẫy hay lật được. Tuy nhiên, nếu em bé cần có mẹ thì hãy “giữ liên lạc” bằng cách nói chuyện với bé khi ở bên ngoài.
Quy tắc 5: Chỉ can thiệp khi cần thiết
Trong quá trình dạy con độc lập từ sơ sinh thì không thể thiếu những tình huống mà em bé cần có sự giúp đỡ của ba mẹ. Trong những trường hợp này, người lớn đừng vội vàng mà hãy nán lại một chút để quan sát. Đôi khi, bé con có thể tự xử lý được vấn đề của mình.
Quy tắc 6: Thời gian để trẻ một mình
Các chuyên gia đã nhận định rằng tất cả trẻ sơ sinh đều có thể tự chơi một mình được. Thế nhưng thời gian nên để em bé sơ sinh chơi một mình là bao lâu? Câu trả lời là đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi thì thời gian khoảng từ 5 đến 10 phút. Đối với các bé lớn hơn từ 1 – 3 tuổi thì sẽ là 15 đến 30 phút (trong điều kiện an toàn).
Dạy trẻ 1 tuổi tự lập
Khi đã lên 1 tuổi, em bé của bạn có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như: tự lấy thìa, đồ ăn, bàn chải đánh răng, bỉm,… Vì thế, ba mẹ hãy để bé 1 tuổi tự làm những việc này một mình bởi cách duy nhất để giúp có thể thành thạo những kỹ năng mới đó là tự thực hiện những việc đó. Ba mẹ cũng đừng quên cho bé cơ hội được học hỏi và được mắc lỗi, tất nhiên là trong giới hạn cho phép nhé! Có thể những lần đầu bé sẽ để lại một mớ lộn xộn, dễ bỏ cuộc nhưng ba mẹ hãy cố gắng hướng dẫn, động viên để con có thể hoàn thành những công việc đó trong những lần tiếp theo.
Một số kỹ năng mà trẻ 1 tuổi có thể tự thực hiện đó là:
- Mặc quần áo: cởi tất (vớ), kéo quần lên, giơ tay lên mặc áo, cởi áo khoác,…
- Ăn uống: tự cầm các dụng cụ ăn uống, tự bốc ăn bằng tay phải, chọn đồ ăn bé thích bằng cách chỉ tay hoặc gật đầu, lắc đầu với món bé không thích,….
- Đánh răng: tự cầm bàn chải đánh răng chắc chắn.
- Dọn dẹp: tự cất đồ chơi vào thùng.
- Đi lên và xuống cầu thang: tự bước đi vững vàng dưới sự giám sát của người lớn.
Dạy trẻ 2 tuổi tự lập
2 tuổi là thời điểm bé phải học thêm các kỹ năng phức tạp hơn lúc 1 tuổi một chút. Việc dạy trẻ 2 tuổi tự lập sẽ không quá khó nếu phụ huynh biết lựa chọn những hoạt động với mức độ phù hợp với sức của con như: tự mặc quần áo, tự dọn dẹp đồ chơi, tự đi vệ sinh,…
Đến thời điểm 2 tuổi rưỡi, mẹ có thể tập cho bé mặc áo sơ mi cài, tự kéo khóa quần. Ngoài ra, khi đi vệ sinh xong bé tự rửa tay và lau khô tay mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn nữa.
Ở giai đoạn này, trẻ cũng hình thành rất nhanh ý thức về sự an toàn. Các bạn nhỏ 2 tuổi đã bắt đầu hiểu hơn về những mối nguy hiểm xung quanh và cách phòng tránh như: không được chạm vào nồi cơm đang nóng, không tự ý trèo lên bàn, ghế, tủ cao,… Lúc này, phụ huynh nên tăng cường dạy con cách tự lập thông qua các hoạt động thường ngày “dài hơi” hơn như: vệ sinh đồ chơi, cho thú cưng ăn, lau dọn bàn ghế,… Hãy yên tâm vì những công việc này hoàn toàn nằm trong khả năng của trẻ.
Dạy trẻ 3 tuổi tự lập
Nhiệm vụ mặc quần áo đối với bé 3 tuổi đã trở nên vô cùng dễ dàng. Khi bước vào tuổi học mẫu giáo, bé nên thuần thục cách đi giày, cởi giày, bỏ giày lên kệ. Với sự phát triển về thể chất và trí tuệ, hầu hết các bé 3 tuổi đã có thể tự vệ sinh cá nhân, sử dụng nút bấm trên các vật dụng như TV, quạt, điều hòa,… mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào sự giúp đỡ từ ba mẹ.
Trước khi cho bé đi mẫu giáo, ba mẹ nên dạy bé biết phân biệt giữa nhu cầu tiểu tiện và đại tiện, đồng thời phải gọi đúng tên 2 hoạt động này. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên để bé tự lập trong việc dùng thìa, đũa khi ăn uống, tự dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong. Đặc biệt, dạy con cách tự bảo vệ mình bằng cách gọi người giúp đỡ khi gặp nguy hiểm là một điều quan trọng, ba mẹ nhớ nhé!
Tại sao cần dạy trẻ tự lập từ nhỏ?
Những năm đầu đời luôn là “thời điểm vàng” để trẻ học tập và phát triển các kỹ năng quan trọng. Vì vậy, phụ huynh cần tận dụng thật tốt cơ hội này để dạy con tự lập. Những cách dạy con tự lập từ nhỏ, sự khuyến khích tính tự lập ở trẻ cũng đồng nghĩa với việc tạo tiền đề vững chắc để bé có “sức bật” tốt hơn mỗi khi bước đến các cột mốc quan trọng của cuộc đời.
Ngoài ra, những em bé có tính tự lập cao hoàn toàn có thể tự mình làm được những điều mà ba mẹ không ngờ tới. Chỉ cần có sự hướng dẫn ban đầu của người lớn và thời gian để luyện tập là các bé sẽ dần học được mọi thứ. Đây không chỉ là sự tiến bộ trong quá trình nuôi dạy trẻ mà còn là cơ hội giúp các con có cảm giác được làm chủ chính mình, dần dần trở nên tự tin hơn, bản lĩnh hơn.
Không chỉ vậy, khi bé biết cách tự chăm sóc bản thân, ba mẹ cũng phần nào đỡ phải lo lắng, bảo bọc cho con từng li từng tí. Bé biết tự đánh răng, tự mặc quần áo, tự xúc cơm ăn mà không cần mẹ phải giám sát hay nhắc nhở nhiều là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy con đang trưởng thành lên từng ngày.
Đặc biệt, với những bé chuẩn bị vào lớp một trong giai đoạn dịch Covid-19 bị mất đi một thời lượng đáng kể ở những năm cuối mẫu giáo đã gây nhiều thiệt thòi cho các bé. Chưa kịp ổn định và bắt nhịp với môi trường cũ sau thời gian dài giản cách xã hội thì bé phải làm quen ngay với việc thay đổi môi trường mới mà không được chuẩn bị đầy đủ những kỹ năng quan trọng để vào tiểu học. Vì thế, tham gia khóa học Kỹ năng sống để trang bị cho bé những kỹ năng cần thiết về ngôn ngữ, làm chủ cảm xúc và hành vi để bé tự tin bước vào lớp 1.
Khi nào tính tự lập của trẻ phát triển nhất?
Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu các cách dạy trẻ tự lập từ khi con bắt đầu có khái niệm về không gian và thời gian. Lý do là vì lúc này, các bé sẽ thấy thế giới xung quanh còn nhiều điều mới mẻ, la lẫm và ba mẹ nên cho trẻ cơ hội tự khám phá, tìm hiểu. Dần dần, trí tò mò vốn có ở trẻ sẽ là yếu tố giúp con hình thành nên tính cách độc lập ngay từ tấm bé.
Vậy độ tuổi nào là thích hợp nhất để dạy con tự lập? Câu trả lời là từ 2 tuổi trở lên. Đối với những bé ở độ tuổi nhỏ hơn, ba mẹ chỉ nên cho con làm quen với tự lập và luôn phải quan sát, hỗ trợ, để ý đến khi nào bé hoàn thành. Còn khi bé đã 2 tuổi, phụ huynh hoàn toàn có thể để trẻ tự thực hiện các công việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân một mình.
Không chỉ vậy, đây cũng là thời điểm tốt nhất để trẻ biết như thế nào là tự lập và có nền móng tư duy vững chắc cho những giai đoạn phát triển sau này. Dạy con tự lập từ thuở lên 2 cũng góp phần tạo nên những thói quen tốt cho trẻ, giúp ba mẹ tiết kiệm thời gian và công sức khi uốn nắn, dạy dỗ sau này.
Dạy con tự lập theo cách của người Nhật cho ba mẹ tham khảo
Dạy con tự lập của người Nhật là phương pháp nuôi dạy con khoa học và được nhiều bậc phụ huynh hiện nay ưa chuộng. Dưới đây là 5 cách dạy con tự lập của người Nhật phù hợp cho các bé từ 0 đến 12 tuổi mà ba mẹ có thể tham khảo và áp dụng:
- Tính tự tin và độc lập: nghe thì có vẻ hơi cao siêu song điều này lại cực kỳ đơn giản. Ví dụ như thay vì đút cho bé ăn thì mẹ hãy nên để bé tự xúc, thậm chí tự bốc ăn. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên khuyến khích bé làm những điều bé muốn và khi có xung đột, trước tiên hãy để bé tự tìm cách giải quyết.
- Tính kỷ luật: đây là nguyên tắc quan trọng giúp bé học được sự tôn trọng. Hãy dạy cho bé từ những việc nhỏ nhất như: xếp hàng, tự đi ngủ, tự thức dậy đúng giờ,… Những việc làm đơn giản nhưng đều là tiền đề giúp hình thành thói quen tốt cho bé sau này.
- Tính kiên nhẫn: bình tĩnh, nhẹ nhàng khi bé mắc lỗi khi dạy con tự lập là điều mà ba mẹ nên áp dụng. Ba mẹ hãy kiềm chế cơn giận, tận tình chỉ bảo và kiên nhẫn dạy dỗ bé thì mới có thể giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
- Gia đình là quan trọng: người Nhật rất ít khi cho bé đi mẫu giáo trước 3 tuổi. Thay vào đó, người mẹ sẽ nuôi dạy, chăm sóc con cái và dành nhiều thời gian cho bé ở nhà. Người Nhật cũng ít khi nhờ ông bà hoặc thuê người giúp việc chăm sóc bé vì rất dễ tạo khoảng cách với con.
- Chú ý đến cảm xúc: để một em bé có thể sống tốt và tồn tại trong một xã hội tập thể thì yếu tố quan trọng nhất là cần phải dạy trẻ cách nhìn nhận cũng như tôn trọng cảm xúc, sở thích của người khác. Bởi vậy, các bà mẹ Nhật Bản luôn hỏi ý kiến của con cái và chú ý đến cảm xúc của trẻ, điều này cũng có nghĩa là họ không bao giờ chê bai hay làm con thấy xấu hổ trước mặt người khác
Trên đây là một số phương pháp dạy con tự lập đúng cách mà POPS Kids Learn muốn giới thiệu đến các bậc phụ huynh. Hy vọng qua bài viết, ba mẹ sẽ học thêm nhiều cách nuôi dạy con hiệu quả để có thể đem lại cho con trẻ sự phát triển toàn diện và tốt đẹp nhất.
POPS Kids Learn hiện đang khai giảng rất nhiều lớp học online với mục đích giúp các bé trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học trang bị được nhiều kỹ năng lẫn kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Cho bé học tại đây, ba mẹ sẽ hoàn toàn yên tâm bởi đội ngũ giáo viên nhiệt tình, yêu trẻ nhỏ kèm theo đó là chương trình học thú vị với nhiều bài học bổ ích. Ba mẹ còn chần chờ gì nữa mà không tham khảo ngay nào?