Các Cách Dạy Con Không Đòn Roi Mà Bạn Không Thể Bỏ Qua
Trong quá trình nuôi dạy con cái, chắc hẳn cha mẹ nào cũng có lúc đối diện với việc con mình không vâng lời. Một số bậc cha mẹ đã sử dụng hình thức trừng phạt, như là đánh đòn, để kỷ luật đứa trẻ. Tuy nhiên, phương pháp này đôi khi không hiệu quả và ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Chúng ta vẫn còn rất nhiều cách dạy con không đòn roi mà vẫn giúp trẻ cải thiện hành vi và phát triển một cách lành mạnh.
Xem nhanh
Kỷ luật thể chất ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em?
Học viện nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo cha mẹ không nên đánh đòn con cái vì phương pháp này có hại nhiều hơn là có lợi. Trẻ em thường xuyên bị đánh đòn hoặc bị kỷ luật thể chất có nhiều khả năng bướng bỉnh hơn, có nhiều hành vi hung hăng hơn ở trường học, lòng tự trọng kém và nguy cơ mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần cao.
Các hình thức kỷ luật thể chất được cho là không hiệu quả trong việc cải thiện hành vi của trẻ. Mặc dù việc đánh đòn có thể tạo cảm giác sợ hãi cho trẻ ngay tại thời điểm đó, nhưng nó không cải thiện hành vi về lâu dài, trẻ vẫn có thể thực hiện hành vi xấu khi không có sự quan sát của cha mẹ. Chưa kể việc đánh đòn thường xuyên sẽ có thể khiến trẻ “lì đòn”, dẫn đến nhiều hành vi gây hấn hơn. Kỷ luật thể chất cũng làm giảm chất lượng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Bên cạnh đó, trẻ em học từ việc quan sát cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ phạt con bằng đòn roi có thể đang dạy con cách giải quyết xung đột bằng vũ lực, trẻ có thể sẽ phát triển các hành vi bạo lực trong tương lai.
Ngoài kỷ luật thể chất thì việc bạo hành bằng lời nói, như la mắng hay sỉ nhục, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ, năng lực nhận thức và lòng tự trọng của trẻ.
Cách dạy con không đòn roi: kỷ luật bằng tình yêu thương
Kỷ luật không giống như những hình phạt khắc nghiệt, nó chỉ đơn giản là dạy trẻ những hành vi nào tốt và những hành vi nào không. Khi được áp dụng phù hợp, kỷ luật có thể là một trải nghiệm tích cực với trẻ. Dưới đây là một số cách thức và phương pháp dạy con không đòn roi, giúp bạn kỷ luật trẻ bằng tình yêu thương.
1. Thiết lập các quy tắc
Hãy thiết lập các quy tắc rõ ràng để trẻ có thể tuân theo. Giải thích các quy tắc này một cách ngắn gọn và dùng từ ngữ phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ví dụ, đừng chỉ nói rằng “con không được chạy lung tung khi đang ngậm thức ăn trong miệng”. Hãy giải thích vì sao điều này lại quan trọng, con có thể bị nghẹt thở và gặp nguy hiểm khi làm như vậy.
Để giúp cách dạy con không đòn roi này hiệu quả, các quy tắc cần được thực hiện nhất quán giữa những người chăm sóc trẻ.
2. Dùng giọng điệu bình tĩnh
Đừng la mắng hoặc khiển trách trẻ khi bạn đang không hài lòng với hành vi của con. Hãy sử dụng giọng điệu bình tĩnh và chắc chắn để giải thích tại sao bạn không vui với những gì trẻ làm.
3. Nói với trẻ những gì trẻ nên làm
Một phương pháp nuôi dạy con không đòn roi là hãy nói với trẻ những gì con NÊN làm, thay vì nói những gì trẻ KHÔNG NÊN làm. Ví dụ, nếu trẻ nhún nhảy trên ghế sofa, thay vì nói “Đừng nhảy trên ghế như vậy con!”, thì bạn có thể nói “Hãy nhảy dưới nền nhà nhé con. Ghế là để chúng ta ngồi.”
4. Làm gương cho trẻ
Nếu con bạn thấy bạn liên tục làm những việc như chửi bới, để bát đĩa bẩn trên bàn mà không rửa… thì cũng không khó hiểu khi trẻ cũng hành xử như vậy. Do đó, hãy làm mẫu những hành vi tốt mà bạn muốn con học theo nhé.
5. Phản hồi cảm xúc của trẻ
Con bạn có thể giận dữ và bất hợp tác vì giờ chơi với bạn chúng vừa kết thúc. Bạn có thể nói “Cha/ mẹ biết con đang cảm thấy khó chịu vì bạn phải đi về, nhưng con vẫn cần thu dọn đồ chơi của mình.” Việc phản hồi cảm xúc cho thấy cha mẹ đang thật sự quan tâm đến cảm nhận của con, con sẽ cảm thấy được an ủi hơn, và sau đó có thể thực hiện hành vi mà cha mẹ mong muốn.
6. Đưa ra các hậu quả và thực thi chúng
Nếu trẻ không cư xử như mong đợi thì cha mẹ có thể đưa ra các hậu quả với con. Ví dụ, nếu trẻ vẫn đạp xe khỏi khu vực cho phép mặc dù cha mẹ đã nhắc nhở, cha mẹ sẽ cất xe đi và trẻ không được dùng trong một ngày. Hãy thực hiện điều này ngay lập tức để trẻ hiểu rằng đây không phải là một lời nói suông.
7. Khen ngợi những hành vi tốt
Khi con thực hiện một hành vi tốt, ví dụ như chủ động dọn dẹp đồ chơi mà không đợi cha mẹ yêu cầu, hãy dành cho con những lời khen. Cách dạy con không đòn roi này giúp trẻ củng cố các hành vi của mình.
8. Chuyển hướng hành vi xấu, hoặc gây phân tâm
Thay vì yêu cầu trẻ dừng hành vi xấu thì cha mẹ có thể chuyển trẻ sang một hành động khác. Ví dụ, nếu trẻ giành đồ chơi với bạn, cha mẹ có thể hướng trẻ đến một món đồ chơi hoặc một hoạt động khác, cho đến khi đến lượt của trẻ.
9. Dùng phương pháp time – out
Cách dạy con không đòn roi này có thể được áp dụng khi trẻ vi phạm một quy tắc (như đánh bạn, ăn vạ…). Cha mẹ sẽ để trẻ đứng ở một khu vực yên tĩnh trong nhà, trong một khoảng thời gian cố định. Trước đó, hãy giải thích ngắn gọn với con vì sao bạn làm như vậy. Công cụ này giúp cha mẹ kiểm soát hành vi của trẻ và cũng dạy cho trẻ cách tự quản lý cảm xúc của mình.
Hãy khen ngợi con khi trẻ hoàn thành time – out. Ví dụ: “Con đã đi đến góc tường khi cha/ mẹ yêu cầu và con đã ngồi yên lặng trong suốt thời gian đó, con đã làm rất tốt”. Cha mẹ cũng có thể kết hợp với các tiếp xúc cơ thể như ôm trẻ hoặc đập tay. Việc này giúp củng cố hành vi tốt của con (vì con đã tuân theo quy tắc time – out), và giúp con hiểu rằng cha mẹ không thích hành vi của con chứ không phải không thích con, con vẫn được yêu thương và tôn trọng.
Như vậy, với những cách dạy con không đòn roi như trên, trẻ sẽ cải thiện được hành vi của mình và vẫn phát triển lành mạnh. Và nếu bạn cảm thấy mất bình tĩnh khi dạy con, hãy dành vài phút time – out cho chính mình nhé.
POPS Kids Learn hiện đang có khóa học online dành cho trẻ em từ 3-15 tuổi. Khóa học với những kiến thức, kỹ năng quan trọng và phù hợp với lứa tuổi sẽ được các thầy, cô giáo của POPS Kids truyền tải đến bé một cách sinh động, vui nhộn thông qua các trò chơi, các hoạt động tương tác, đóng vai, kể chuyện,… Đặc biệt, với các khóa học tại POPS Kids Learn, phụ huynh còn có thể cho bé đăng ký học thử miễn phí. Ba mẹ còn chần chờ gì nữa mà không cho con trải nghiệm ngay tại POPS Kids Learn?