Xây Dựng Lớp Bảo Vệ Trẻ Vững Chắc Trong Những Năm Đầu Đời
Giai đoạn vàng 3-5 tuổi là lúc ba mẹ nên bắt đầu quan tâm đến việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, bắt đầu từ những việc nhỏ như vệ sinh cơ thể, phòng tránh các loại bệnh vặt và ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng. Các nội dung dưới đây sẽ cung cấp một vài thông tin hữu ích cho ba mẹ có ít kinh nghiệm về việc xây dựng lớp “màng chắn” bảo vệ trẻ vững chắc.
Xem nhanh
1. Bảo vệ sức khỏe cho trẻ bằng thói quen vệ sinh cá nhân
Có 4 thói quen vệ sinh quan trọng mà ba mẹ cần lưu ý dạy trẻ từ khi còn nhỏ:
Vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày
Vệ sinh răng miệng là một phần quan trọng trong việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân để biến nó trở thành thói quen hằng ngày của trẻ em. Bằng cách làm sạch răng và lợi của trẻ, ba mẹ có thể ngăn ngừa một loạt các vấn đề về sức khỏe bao gồm hôi miệng, sâu răng và bệnh tim có thể mắc sau này. Ba mẹ nên yêu cầu con chải răng ít nhất 2 lần 1 ngày và mỗi lần ít nhất phải 2 phút. Ngoài ra hãy khuyến khích bé chải răng sau mỗi bữa ăn để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và tránh sâu răng.
Tập cho trẻ thói quen tắm rửa hàng ngày
Cho con tắm hai lần một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ. Trong khi tắm, hãy dạy cho trẻ cách vệ sinh các bộ phận trên cơ thể – bàn tay, nách, chân, bàn chân, cổ chân, lưng, bụng (rốn), khuỷu tay và đầu gối. Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, đóng vai trò chính trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như bụi bẩn và vô số vi khuẩn gây hại. Tắm thường xuyên sẽ giúp bé giữ cơ thể sạch sẽ.
Dạy trẻ đi vệ sinh đúng cách
Ba mẹ cần dạy trẻ những thói quen để giữ cho các bộ phận nhỏ luôn sạch sẽ. Dạy bé lau sạch từ trước ra sau bằng giấy vệ sinh sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên dạy bé cách xả nước bồn cầu.
Vệ sinh tay đúng cách – Điều không thể bỏ qua khi dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Để dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, bố mẹ đừng bỏ qua việc hướng dẫn cho con 6 bước rửa tay và rửa tay bằng xà phòng. Khi sử dụng xà phòng, hãy chắc chắn rằng bé xoa 2 tay vào nhau trong khoảng 20 đến 30 giây, sau đó rửa sạch xà phòng bằng nước sạch. Phải rửa tay trước và sau bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi ở chỗ bẩn hoặc chơi với vật nuôi, sau khi ho hoặc chảy mũi, và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Các bệnh thường gặp ở trẻ khi không vệ sinh đúng cách
Bệnh sởi: là một trong những bệnh lây nhiễm mạnh nhất ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ em là nốt ban sởi nổi dưới da, trước tiên là ở mặt sau đó lan ra cả cơ thể.
Bệnh quai bị: Triệu chứng điển hình của bệnh quai bị là sưng phù má do sưng tuyến mang tai. Ở Việt Nam, quai bị là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và dễ lây lan, có nguy cơ bùng phát thành dịch. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại biến chứng vô cùng nguy hiểm như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm màng não, điếc… Ngoài dấu hiệu sưng viêm, đau đầu, đau vùng mang tai – hàm – cằm, đau khi ăn, sốt, cũng là một trong những triệu chứng của bệnh.
Tay chân miệng: Triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường có những vết loét trong miệng và nốt ban đỏ ở tay và chân, mông… Trường hợp gặp biến chứng mà không được xử trí kịp thời trẻ có thể bị viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí là tử vong.
2. Tăng sức đề kháng cho con thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp
Phải làm gì để nâng cao sức khỏe cho con? Câu trả lời quan trọng nhất chính là thiết kế chế độ dinh dưỡng và thực đơn phù hợp cho con mỗi ngày.
Ở lứa tuổi này, ba mẹ cần lưu ý cho bé nhận đủ và đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo bữa ăn của bé gồm đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng quan trọng nhất, đó là: bột đường, đạm, chất béo & vitamin.
Chất bột đường: Phải có mặt trong cả 3 bữa chính của bé vì đây là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể và là “thức ăn” cho não bộ hoạt động. Các thực phẩm giàu bột đường là cơm, bún, mì, nui, khoai tây khoai lang, đậu…
Chất đạm: Đây là nguồn thực phẩm “xây dựng” cơ thể, thành phần tạo máu, men tiêu hóa, kháng thể, cung cấp các acid amin cần thiết cho hoạt động não bộ,… Thực phẩm giàu đạm là thịt, cá, trứng, sữa, đậu, tôm, cua…
Chất béo: Chất béo từ dầu, mỡ, bơ… là nguyên liệu tạo nên tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào thần kinh và là nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động, tăng trưởng của cơ thể. Có chất béo thì các vitamin quan trọng như vitamin A, D, E, K mới được hấp thu. Các chất béo thiết yếu omega 3 (DHA) từ cá basa, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá trích và các loại sữa bột có hàm lượng DHA cao; omega 6 từ dầu, các loại hạt … rất cần thiết cho cấu tạo thần kinh và hoạt động não bộ.
Các vitamin và khoáng chất: Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể của trẻ. Tuy hàng ngày chỉ cần một lượng rất ít, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra tình trạng bệnh lý cho cơ thể.
Phải tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và khuyến khích trẻ tăng cường vận động thể chất như tập thể dục, bơi lội, các hoạt động vui chơi chạy nhảy ngoài trời để giúp trẻ phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, nên cho bé đi ngủ sớm khoảng 9-9g30 tối, vì bé chỉ tăng được chiều cao trong khi bé ngủ say từ 10-12g đêm.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về việc bảo vệ trẻ bằng cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cơ thể. Ba mẹ có thể tìm hiểu sâu hơn từng mảng để đảm bảo con được hưởng mọi sự chăm sóc tốt nhất nhé.
>>> Cha mẹ có thể tham khảo khóa học Sinh Hoạt Ngoại Khóa: Tết Xưa – Tết Nay, POPS KIDS LEARN Sinh Hoạt Ngoại Khóa: Christmas & New Year 2022, (Event SamSung) Học Thử Cờ Vua Cùng Cô Huyền Trân